Sau hơn 20 năm từ khi Hiến pháp 1992 ban hành, đây là lần tổ chức lấy ý kiến của toàn dân đối với bản Hiến pháp mới ở nước ta - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng và Nhà nước ta có một chủ trương đặc biệt lớn và quan trọng như vậy, mà xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội và của Nhà nước ta. Theo đó, đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vấn đề dân làm chủ là cội nguồn của mọi quyền lực “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là chủ”. Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1945), tư tưởng về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân đã được thể chế hóa thành một mục tiêu hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp 1946. Trong nhà nước pháp quyền, ý chí của nhân dân và sự lựa chọn chính trị được xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất bằng Hiến pháp. Chính vì lẽ đó mà Hiến pháp được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc và tổ chức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Sự hiện diện của Hiến pháp là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự ổn định xã hội và sự an toàn của người dân. Những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản của Hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự duy trì quyền lực nhà nước, cho sự làm chủ của nhân dân.
Chính vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, để nhân dân thể hiện đầy đủ nhất những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình trong đạo luật gốc của Nhà nước. Đó cũng là dịp để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức sâu sắc và tổ chức tốt việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; góp phần thực hiện cho được yêu cầu của Đảng là huy động được trí tuệ, tâm huyết của toàn dân, để bản Hiến pháp khi được ban hành phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cả nước; thật sự là bản Hiến pháp của một Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Sơn Ca